Suy ngẫm về trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn thế nào là con người, theo cả nghĩa tốt lẫn nghĩa xấu.
14/01/2019 - Biên dịch: Xóm Tranh biện (Minh Vũ, Giang Lê, Trang Lê)
Chính xác thì khi nào và bằng cách nào trí tò mò sẽ dẫn đến cái kết của chúng ta? Hẳn là bạn rất tò mò muốn biết. Một số nhà khoa học và kĩ sư lo sợ rằng một khi chúng ta tạo ra một loại trí thông minh nhân tạo thông minh hơn chính mình (thường được biết đến như trí tuệ nhân tạo mạnh - artificial general intelligence) tức là ngày tận thế đã đến gần. Bill Gates và Tim Berners-Lee, những nhà sáng lập của World wide web, đã nhận ra triển vọng của AI gần như một thần đèn có thể ban phát điều ước bước ra từ giấc mơ. Tuy nhiên, cả hai đều đã lên tiếng thể hiện quan ngại một cách nghiêm túc về vấn đề này. Elon Musk cũng đã cảnh báo về việc "triệu hồi ác quỷ" và lường trước sự xuất hiện của "một kẻ độc tài bất tử mà chúng ta không thể lật đổ". Stephen Hawking tuyên bố rằng trí thông minh nhân tạo mạnh (A.G.I) có thể "báo hiệutạo nên sự hủy diệt của loài người". Những ý kiến như vậy là không hề mới. Vào năm 1951, khi mạng nơ-ron nhân tạo cũng như chương trình chơi cờ vua tự động ra đời, một người tiên phong trong lĩnh vực AI - Alan Turing đã dự đoán rằng máy móc sẽ "vượt xa những năng lực yếu đuối của chúng ta" và "giành quyền kiểm soát". Năm 1965,một đồng nghiệp của Alan Turing là Irving Good chỉ ra rằng các thiết bị thông minh có khả năng thiết kế ra khác thiết bị thông minh hơn nữa, tạo thành một vòng lặp vô hạn, "do đó, siêu trí tuệ nhân tạo đầu tiên sẽ là phát minh cuối cùng con người cần phải tạo ra, với điều kiện cỗ máy đủ “ngoan ngoãn” để nói cho chúng ta cách kiểm soát nó".
Nhiều người trong lĩnh vực công nghệ chỉ ra rằng trí tuệ nhân tạo yếu (artificial narrow intelligence hay A.N.I) đang trở nên an toàn và đáng tin cậy hơn bao giờ hết. Điều chắc chắn là chúng an toàn và đáng tin cậy hơn chính chúng ta (Xe con và xe tải tự lái có thể cứu mạng sống của hàng trăm nghìn người mỗi năm). Câu hỏi là liệu rủi ro của việc tạo ra một thực thể toàn năng có quyền lực trong mọi lúc và ở mọi nơi có vượt quá hàng nghìn những rủi ro mà trí thông minh nhân tạo phổ quát có thể loại bỏ giúp chúng ta như dịch bệnh, thiên thạch rơi, chiến tranh hạt nhân, v.v.
Những nhận định trên vẫn còn mang tính lý thuyết bởi mặc dù lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang phát triển ngày càng đa dạng và tốn kém, việc chế tạo thành công trí tuệ nhân tạo mạnh vẫn còn cách chúng ta một khoảng cách không nhỏ. Vào những năm 1940, những người có tầm nhìn cho rằng điều này có thể đạt được sau đó một thế hệ, trong khi đó trong một cuộc thăm dò ý kiến vào năm ngoái, các chuyên gia trí tuệ nhân tạo đưa ra một thời hạn mới là năm 2024. Một trong những điểm gây tranh cãi chính và gây nhiễu cho dự đoán trên là khi nào chúng ta sẽ đạt đến “Dị điểm” mà từ đó, công nghệ phát triển quá mạnh đến mức nó sẽ chiếm lĩnh vĩnh viễn các mặt của cuộc sống. Liệu điều đó sẽ đến một cách chậm rãi, dựa trên những tiến bộ đã có của trí tuệ nhân tạo hẹp và dưới dạng một máy khai phá dữ liệu kết hợp với một mạng lưới thực tế ảo và một máy phiên dịch ngôn ngữ tự nhiên, sau đó được tải vào một con robot? Hay nó sẽ diễn ra một cách nhanh chóng khi một loại thuật toán nào đó bất ngờ được tạo ra và trở thành chúa tể của máy móc?
Những người say mê A.G.I. đã có hàng thập kỷ để suy nghĩ về viễn cảnh này nhưng những mường tượng của họ về A.G.I. khá nhẹ nhàngnhưng họ vẫn nghĩ một cách rất nhẹ nhàng: chúng ta sẽ không còn phải làm việc bởi máy tính sẽ lo liệu tất cả công việc hàng ngày, rồi não bộ của chúng ta sẽ được tải lên các bộ nhớ đám mây và hòa làm một với trí tuệ mơ hồ của nó, đại loại là như vậy. Những lo lắng tưởng như không đâu dựa trên cách trí tuệ nhân tạo tự phát triển thật ra lại rất có cơ sở. Một khi trí thông minh nhân tạo vượt qua loài người, chúng ta hoàn toàn không có lí do gì để tin rằng chúng sẽ biết ơn chúng ta vì đã phát minh ra chúng, đặc biệt là khi chúng ta chưa có cách nào để khiến cho AI có được khả năng thấu cảm. Tại sao một thực thể với khả năng hiện diện ở hàng ngàn nơi cùng một lúc, sở hữu một loại nhận thức siêu việt lại sẽ yêu mến những sinh vật thậm chí không muốn ra khỏi giường khi có một ngày tồi tệ?
Lạ thay, các nhà viết kịch bản khoa học viễn tưởng - những nhà tiên tri đáng tin cậy nhất của chúng ta, lại đang né tránh viễn cảnh tận thế khi trí tuệ nhân tạo mạnh đến mức khiến con người tuyệt chủng. Kể cả những robot và siêu máy tính họ viết ra, dù có những đặc điểm của nhân vật phản diện như mắt đỏ (Kẻ hủy diệt) hay giọng Canada (Hal 9000 trong phim "2001: A Space Odyssey"), vẫn có vẻ giống người tốt. Chúng đều chỉ là phiên bản mới của Turk - một cỗ máy chơi cờ vua tự động giả (dấu người chơi thật bên trong) được tạo ra vào thế kỉ 18. Tiểu thuyết nổi tiếng "Neuromancer" được William Gibson viết năm 1984 có sự xuất hiện của một trí tuệ nhân tạo tên Wintermute cùng kế hoạch của nó để giải phóng bản thân khỏi con người. Nhưng sau khi thực hiện được điều đó, nó lại lựa chọn đi tìm kiếm những trí tuệ nhân tạo ở các thiên hà khác, và cuộc sống không có gì thay đổi. Trong seri phim "Altered Carbon" của Netflix, các trí tuệ nhân tạo coi con người là "dạng sống hạ đẳng hơn" nhưng chúng lại sử dụng năng lực của mình để chơi porker ở một quầy bar.
Chúng ta không hào hứng với việc suy ngẫm về những thứ không trực tiếp liên quan đến mình. Cứ như thế, khi chúng ta đang tắm mình trong dưới ánh nắng những ngày cuối đông trong “lãnh địa” của mình, chúng ta sẽ được thưởng thức hương vị hỗn loạn của trí tuệ nhân tạo. Đó là khi người dùng Twitter huấn luyện chatbot (chương trình chat tự động) của Microsoft bắt chước những trò đùa phân biệt chủng tộc. Khi trợ lý ảo M của Facebook để ý thấy cuộc đối thoại của hai người bạn về một cuốn tiểu thuyết có cảnh những xác chết khô thì nó nhanh chóng gợi ý cho họ lập kế hoạch cho bữa tối. Hay khi Google không thể sửa lỗi bộ định dạng của Google Photo coi người gốc Phi là khỉ đột, tập đoàn này đã phải cấm dịch vụ này định dạng khỉ đột.
Chúng ta có lẽ không nên cảm thấy tự mãn sau những thất bại như trên. "The Surprising Creativity of Digital Evolution", một bài viết xuất bản vào tháng 3 đã tập hợp lại kết quả về các chương trình có thể tự nâng cấp chính mình, điều mà một siêu trí tuệ sẽ làm. Khi các nhà nghiên cứu cố gắng tối ưu hóa cách đi và nhảy cho các sinh vật 3D ảo, một vài con thay vì đi bình thường lại lộn nhào hoặc nhảy xà; và một thuật toán sửa lỗi cuối cùng lại khiến vấn đề trầm trọng hơn khi làm đoản mạch của các chương trình hỗ trợ. Nói tóm lại, ở những trí tuệ nhân tạo, khả năng xuất hiện các tác dụng ngược trong quá trình tối ưu hóa các chức năng có vẻ bình thường lại rất phổ biến. Đó là lý do chúng ta cần các nhà nghiên cứu.
Nghiên cứu về A.G.I. có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn được thế nào là một con người, dù tốt hay xấu. Vậy phải chăng chúng ta quá giỏi tư duy đến mức không thể xây dựng được những máy tính có thể bắt kịp chúng ta? Hay thực ra chúng ta không đủ khả năng tư duy để xây dựng được một trí tuệ nhân tạo toàn năng? Suy nghĩ về các A.G.I khiến chúng ta cân nhắc về việc tìm kiếm người ngoài hành tinh, đặt ra câu hỏi liệu thực ra chúng ta có đang sống trong 1 thế giới mô phỏng (một chương trình chạy trên một AI của một thế lực nào đó) hoặc liệu chúng ta phải chịu trách nhiệm trước, hay cho, Chúa. Nếu tồn tại một trí tuệ có khả năng hiểu được mọi ngóc ngách của vũ trụ, liệu A.G.Isẽ là đáp án - hay là dấu chấm hết cho cuộc thí nghiệm?
Trí tuệ nhân tạo dường như đã được sử dụng rộng rãi - nhờ vào sự phát triển trong công nghệ thiết kế vi xử lý, quản lý điện năng và dữ liệu lớn (big-data) - điều mà chúng ta ít khi để ý tới. Chúng ta coi việc Siri lên lịch hẹn hay Facebook tự tag ảnh và làm biến chất nền dân chủ là chuyện bình thường. Máy tính đã rất thành thạo trong việc chọn mua cổ phiếu, phiên dịch, chẩn đoán ung thư và khả năng của chúng bắt đầu vượt ra xa hơn tính toán và phân loại. Một hệ thống xử lý ngôn ngữ tài trợ bởi Yahoo! có khả năng xác định được tính mỉa mai trong câu nói, chương trình chơi poker Libratus có khả năng đánh bại người chơi poker chuyên nghiệp trong trò Texas hold ’em (một biến thể của poker), hay các thuật toán soạn nhạc, vẽ tranh, tạo ra các câu đùa (jokes), viết ra các phân cảnh mới cho “The Flintstones” (1 sê-ri phim truyền hình sitcom cho gia đình ở Mỹ). Trí tuệ nhân tạo thậm chí đã giải được câu đố của Nhân sư trong thời hiện đại: lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc ghế của Ikea.
Go là một trò chơi board game chiếm lãnh thổ từng được cho rằng dựa rất nhiều vào trực giác nên không thể sử dụng kiểu tấn công lập trình sẵn. Thế nhưng, vào năm 2016, nhà vô địch Go, Lee Sedol đã đấu với AlphaGo, một chương trình từ Google’s DeepMind và bị đánh bại. Lúc mới bắt đầu một ván đấu, máy thay vì chọn chơi trên hàng thứ 3 hay thứ 4 như bình thường, lại quyết định chọn bắt đầu chơi ở hàng thứ 5- một nước đi gây sốc đến mức khiến Sedol phải đứng dậy và rời khỏi phòng. Sau khoảng 50 lượt đi, nước đi táo bạo đó bắt đầu thể hiện tính quyết định. AlphaGo thể hiện một chuỗi nhận biết quy luật và suy đoán, một đặc tính của trí tuệ. Thậm chí, có thể nói nó thể hiện tính sáng tạo.
Vậy, điều gì còn lại cho chúng ta? Larry Tesler, một nhà khoa học máy tính phát minh ra sao-chép-và-dán (copy-and-paste), đã cho rằng trí tuệ con người là “thứ mà máy móc còn chưa thể làm được”. Năm 1988, nhà chế tạo robot Hans Moravec đã quan sát, và đưa ra nghịch lý Moravec (Moravec’s paradox), cho rằng những việc chúng ta thấy khó khăn thì đối với máy tính là trò trẻ con và ngược lại. “Để một máy tính đạt được khả năng giải quyết vấn đề với trình độ như một người trưởng thành trên các bài kiểm tra trí tuệ hay chơi cờ đam là khá dễ dàng. Và rất khó, gần như không thể để chúng có được kĩ năng của đứa trẻ 1 tuổi liên quan đến nhận thức và chuyển động”. Mặc dù robot đã cải thiện được khả năng nhìn và đi lại, nghịch lý trên vẫn đúng: Ví dụ như, cử động tay của robot gần giống của Hulk hơn là của the Artful Dodger (*một nhân vật hành nghề móc túi trong tiểu thuyết của Charles Dickens với bàn tay uyển chuyển, nhanh nhẹn).
Nhiều ý kiến cho rằng mối quan hệ giữa con người và trí thông minh nhân tạo nên được cho là hợp lực hơn là cạnh tranh. Trong cuốn “Human + Machine: Reimagining Work in the Age of AI”, Paul D. Daugherty và H. James Wilson, giám đốc công nghệ tại Accenture, khẳng định làm việc cùng với AI sẽ làm thúc đẩy tiềm năng của con người. Bất chấp mọi nghiên cứu về “Tận thế Robot” (Robocalypse) cho rằng robot sẽ chiếm khoảng 800 triệu việc làm vào năm 2030, họ đặt tựa đề một chương của cuốn sách là “Say Hello to Your New Front-Office Bots” (Hãy chào đón những robot tiếp tân mới của bạn). Những kĩ năng phức tạp như kết hợp tổng thể (holistic melding) hay chuẩn hóa dữ liệu (responsible normalizing) sẽ tạo ra nhiều công việc mới cho con người như tiếp cận thông tin chiến lược (explainability strategist) hay làm sạch dữ liệu (data hygienist). Kể cả những công việc nhẹ nhàng hơn cũng cần thiết, vì những bot giao tiếp với khách hàng cần được “thiết kế, cải thiện và quản lý”. Các chuyên gia trong các lĩnh vực như giao tiếp, hội thoại, khiếu hài hước, thơ văn hay thấu cảm sẽ có các vị trí này.
Rất nhiều ví dụ của Daugherty và Wilson chúng ta cũng khá giống với máy móc về tính mảng dễ đoán. AI đã cho ZestFinance biết rằng rất hiếm khi người ta viết tất cả bằng chữ in hoa trong giấy xin vay nợ, và đã không chỉ cho dịch vụ 6sense biết được tín hiệu nào trên mạng xã hội thể hiện rằng chúng ta sẵn sàng mua một sản phẩm mà còn biết “dự đoán sự khó chịu trong quá trình bán hàng”. Mục đích tối cao của AI, có vẻ như là để tối ưu hoá việc mua sắm. Khi các công ty sử dụng học máy (machine learning) trong việc hình thành nhân vật thương hiệu, việc sử dụng hệ thống gợi ý (recommendation engines) là không thể tránh khỏi. Bạn sẽ găp khó khăn trong việc từ chối một người khổng lồ xanh vui vẻ (Jolly Green Giant) tại Piggly Wiggly (một chuỗi cửa hàng tại Mỹ) chào hàng và nài nỉ bạn mua thêm Veggie Tots (một loại đồ ăn vặt làm từ súp lơ bán tại Mỹ).
Liệu chúng ta có thể khẳng định những thành tựu của máy móc sẽ phục vụ cũng là của nhân loạicon người? Trong cuốn sách Deep Thinking: Where Machine Intelligence Ends and Human Creativity Begins; Garry Kasparov, một cựu kiện tướng cờ vua, đã nói về cả hai mặt của vấn đề này. Một vài năm trước khi ông thua ván cờ nổi tiếng trước máy tính Deep Blue của tập đoàn I.B.M; vào năm 1997, Kasparov đã phát biểu "Tôi không biết làm sao chúng ta có thể tồn tại khi biết rằng còn tồn tại những thứ khác có trí tuệ ưu việt hơn chúng ta". Nhưng ông ấy vẫn tồn tại và vẫn tranh cãi về những chi tiết của trận đấu, đồng thời dành những mục lớn trong quyển sách của mình (viết cùng với Mich Greengard) để đổ lỗi cho bất kì ai có liên quan đến "cái đồng hồ báo thức ngốn 10 triệu đô" của I.B.M. Sau đó ông bất ngờ thay đổi quan điểm, để cố tận dụng những gì còn có thể. Sử dụng máy tính cho "những công việc chân tay nhỏ nhặt" hợp lý sẽ giải phóng chúng ta và nâng tầm tư duy của bạn "hướng về óc sáng tạo, trí tò mò, sự đẹp đẽ và niềm vui". Ông kết luận: nếu chúng ta không tận dụng cơ hội đó, "chính bản thân chúng ta cũng có thể trở thành những cỗ máy". Chúng ta chỉ có thể chứng minh rằng mình không phải máy móc chính bằng cách dựa vào chúng.
<còn nữa>
Nguồn: The New Yorker https://www.newyorker.com/magazine/2018/05/14/how-frightened-should-we-be-of-ai
Comments