Thắng - thua trong tranh biện có quan trọng?
19.03.2019 - Marvin & Aki
Tranh biện dễ làm ta nghĩ đến “tranh giành”. Và rồi, chẳng phải việc ép người nói phải bảo vệ tuyệt đối cho một ý kiến hay lập trường là quá cực đoan? Tại sao cứ phải là thắng - thua, mà không thể hòa trong tranh biện?
Mỗi người sẽ đều có cách trả lời khác nhau cho những câu hỏi trên. Nhưng đối với tôi, sự đối kháng có phần cực đoan trong bộ môn này có những giá trị rất riêng mà không một bộ môn tư duy nào khác có thể mang lại được. Vậy nên, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá chúng trong bài viết này.
Trước hết, nói về đối kháng, ở bài trước, chúng ta đã tìm hiểu về ba tiêu chí đánh giá thế nào là một lập luận tốt. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng phân tích kĩ hơn hai tiêu chí: tính đúng đắn và tính quan trọng; hai tiêu chí này sẽ hiện hữu như thế nào khi đặt trong một trận đấu cần có sự so sánh hai phe Ủng hộ và Phản đối? Hay nói đơn giản hơn, làm thế nào để ta “đúng” và “quan trọng” hơn đối phương?
Tính đúng đắn
1. Chân lý trong tranh biện
Điều đầu tiên chúng ta cần hiểu là phòng đấu tranh biện không phải phòng thí nghiệm khoa học. Chúng ta không đi tìm các lập luận đúng tuyệt đối. Bởi lẽ, chúng KHÔNG bao giờ tồn tại. Không có một lập luận nào là không thể phản biện được. Vậy thì chúng ta tìm gì ở tranh biện?
Về bản chất, tranh biên là một môn thể thao trí tuệ. Mà trong thể thao thì có thắng có thua. Và ở đây, tiêu chí so sánh là tính thuyết phục của hai đội. Với tính chất so sánh này, chúng ta không tìm đội đưa ra sự thật tuyệt đối, mà chúng ta đi tìm đội tới gần “sự thật” hơn, hay đội đưa ra “sự thật” có khả năng xảy ra cao hơn.
Vậy tức là, trong tranh biện, chúng ta đi tìm đội chiến thắng? Có thể là như vậy, nếu các bạn coi việc giành chiến thắng trong tranh biện là mục đích cuối cùng. Còn nếu bạn coi nó như một công cụ, tranh biện giúp ta khám phá các góc nhìn khác nhau về một vấn đề, để tìm ra những thứ đúng đắn nhất trong hiểu biết hạn hẹp của con người cho những vấn đề trong cuộc sống.
“Tôi có thể sai và anh có thể đúng, nhưng cùng nỗ lực, chúng ta có thể tiến gần hơn tới chân lý.” (Karl Popper)
Vậy nếu một đội tranh biện không nói sự thật 100%, phải chăng học tranh biện là học cách nói dối? Để trả lời cho câu hỏi này, hãy cùng phân tích ví dụ sau đây.
Đinh nghĩa: Chính sách đặc cách tuyển sinh ở các trường đại học Mỹ là cách các trường ưu tiên dành một số phần trăm nhất định trong tổng số các sinh viên được nhận hàng năm dành cho đối tượng là các sinh viên từ các nhóm thiểu số như cộng đồng người da màu, Mỹ La-tinh, thổ dân châu Mỹ, v.v… Kết quả là một số sinh viên da trắng hoặc gốc Á bị loại dù có thành tích học tập ở bậc trung học cao hơn sinh viên nhóm thiểu số được nhận, đặc biệt là ở các trường đại học top đầu.
Đối với kiến nghị này, thường các đội Ủng hộ sẽ giải thích việc vì sao chúng ta cần tuyển đặc cách sinh viên từ các nhóm thiểu số như cộng đồng người da màu, Mỹ La-tinh, thổ dân châu Mỹ, v.v… Lí do là bởi khoảng cách về điều kiện kinh tế - xã hội giữa những nhóm người này với cộng đồng người Mỹ da trắng là quá lớn, khiến các nhóm thiểu số khó có thể cạnh tranh và giành các suất học tại các trường Đại học lớn. Chính sách đặc cách sẽ giúp sinh viên từ các nhóm thiểu số có nhiều người được đi học đại học hơn, điều kiện học tập tốt hơn. Sau đó, họ có thể phát triển và góp phần giúp làm giảm khoảng cách giữa cộng đồng của họ với người Mỹ trắng.
Lập luận này khá nghe qua khá thuyết phục, đặc biệt với những người có niềm tin vào việc rằng con người chỉ cần có cơ hội tốt là đủ.
Vậy đội Phản đối sẽ đưa ra lập luận như thế nào?
Lập luận phản hồi được sử dụng phổ biến nhất sẽ là các chính sách này, thực ra, sẽ gây phản tác dụng và làm hại chính các nhóm thiểu số. Họ sẽ lập luận rằng, giải pháp này không phù hợp với mục tiêu đặt ra ban đầu. Bởi lẽ, khi chúng ta thực hiện chính sách này, một bộ phận lớn sinh viên có kết quả học phổ thông không quá tốt lại theo học các trường đại học lớn, với chương trình học nặng, yêu cầu vượt quá khả năng của họ. Từ đó, những sinh viên này thường bị quá tải hoặc luôn có kết quả học ở cuối lớp. Kết quả là, sau khi chính sách đặc cách được áp dụng, tỉ lệ sinh viên của các nhóm thiểu số bỏ học tăng lên xuất phát từ sự chán nản. Tỉ lệ sinh viên từ các nhóm này tốt nghiệp các ngành khoa học kỹ thuật STEM không những không tăng mà còn giảm. Thêm vào đó, vấn đề phân biệt đối xử trở nên tệ hơn, khi các sinh viên da trắng hay gốc Á thường xuyên chứng kiến việc các nhóm sinh viên thiểu số có kết quả thấp trong việc học. Như vậy, các chính sách đặc cách này đang gây hại nhiều hơn mang lại lợi ích cho các nhóm thiểu số trong xã hội.
Nếu đội Ủng hộ không nói gì thêm, đội Phản đối sẽ là đội thắng, bởi lẽ họ đã chứng minh thành công vì sao các chính sách này có hại nhiều hơn có lợi cho các nhóm sinh viên thiểu số. Họ đưa ra các hệ quả cụ thể từ các chính sách đặc cách lên sinh viên của nhóm thiểu số. Trong khi đó, đội Ủng hộ chưa giải thích được cách thức “lội ngược dòng” của các nhóm sinh viên thiểu số khi phải vào môi trường học cạnh tranh, cũng như việc học sẽ quay lại giúp đỡ cộng đồng của mình sau khi tốt nghiệp như thế nào. Như vậy rõ ràng, bức tranh đội Phản đối vẽ ra về kết quả của các chính sách đặc cách lên các nhóm người thiểu số thực tế hơn đội Ủng hộ. Và đương nhiên, trọng tài trong một trận tranh biện, sẽ không được phép can thiệp và tự lý luận hộ hay tự “hiểu hộ” cho đội Ủng hộ.
Vậy nếu muốn làm rõ hơn mặt “tốt” của chính sách đặc cách, đội Ủng hộ có thể nói gì?
Họ có thể bàn tiếp về các lợi ích cụ thể khác như điều kiện cơ sở vật chất, các mối quan hệ sau khi ra trường, giá trị của tấm bằng, v.v… Rằng kể cả nếu như mà sinh viên nhóm thiểu số không tốt nghiệp đầu lớp, họ vẫn có được những lợi ích khác quan trọng hơn.
Trong trường hợp này, chúng ta có thể thấy, khi hai đội bị đặt vào trong hoàn cảnh “cực đoan”, có áp lực phải chứng minh bằng mọi cách rằng phe mình gần sự thật hơn, rằng các chính sách tuyển sinh đặc cách có lợi nhiều hơn có hại (đối với phe Ủng hộ) hoặc ngược lại (đối với phe Phản đối). Áp lực đó khiến bức tranh lợi - hại của chính sách đặc cách được hiện ra đầy đủ và rõ nét hơn.
Vì sao điều này lại quan trọng?
Nếu chúng ta hỏi, cuối cùng, các chính sách này có nên được thực thi hay không? Câu trả lời dễ nhất và đúng nhất sẽ là … tùy. Tuy nhiên, khi chúng ta tranh luận, bức tranh toàn cảnh của vấn đề sẽ dần hiện ra. Từ đó, ít nhất, chúng ta sẽ biết được chính sách đặc cách nào là không tốt, nên áp dụng và không nên áp dụng trong hoàn cảnh nào. Hay sau khi đi tới nguyên nhân của các thất bại, các câu hỏi về vấn đề giải quyết sự bất công bằng trong giáo dục ở bậc tiểu học và phổ thông giữa các nhóm người trong xã hội sẽ được đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải bổ sung thêm các chính sách tốt hơn để giải quyết vấn đề tận gốc.
Như vậy, trên thực tế, người tham gia tranh biện không được khuyến khích nói dối. Đơn giản là, để chiến thắng, hai đội sẽ phải cố gắng đưa ra nhiều dữ kiện (dựa trên thực tế) có lợi cho phe mình nhiều hơn. Việc cực đoan hóa cuộc thảo luận, trong một chừng mực nhất định, sẽ khiến bức tranh toàn cảnh được hiện ra hoàn thiện và rõ nét hơn. Tức là, cả hai phe đều đang tiến gần tới chân lý hơn.
2. Tính thực tế - Reality check
Tranh biện kích thích chúng ta tìm ra các góc nhìn mới với các vấn đề, khuyến khích tư duy sáng tạo trong việc giải quyết chúng. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ: vấn đề cần giải quyết nằm ở dưới mặt đất. Vì vậy, dù bay cao bay xa đến đâu, hãy giữ tầm nhìn của bạn hướng về phía mặt đất - thực tại.
Điều này có nghĩa là: (1) Nên cẩn trọng và có ý thức lọc hoặc chỉnh sửa các ý tưởng dễ hình dung trong tưởng tượng nhưng khó xảy ra trong thực tế; và (2) Luôn cố gắng giải thích và chứng minh dựa trên các thông tin thực tế hoặc những điều đa số người bình thường đều có thể tin tưởng.
Vậy thì, các lập luận như “Chúng ta nên kiểm duyệt các tác phẩm nghệ thuật có nội dung về hành động tự tử, bởi vì mọi người sẽ bắt chước.” Ý tưởng này nhìn chung sẽ khá là khó tin và có tính thuyết phục không cao. Bởi lẽ, không phải ai xem một bộ phim hành động xong cũng sẽ cầm dao ra ngoài đường sát hại người vô tội, và không phải ai ngồi đọc một cuốn truyện về hành động tự sát sau đó cũng tự tử. Nói cách khác, lập luận này có tính thực tế không cao, dẫn đến khó tin, và tất nhiên, khó thuyết phục người nghe.
Tuy nhiên, nếu chúng ta sửa lại ý tưởng như sau: “Các tác phẩm nghệ thuật mô tả hành động tự tử sẽ ảnh hưởng tới nhóm những người có một số vấn đề về tâm lý, đặc biệt là những người có xu hướng hoặc đang suy nghĩ đến việc tự sát. Bởi lẽ, những người này có thể sẽ tìm đến các tác phẩm này để tìm thấy sự đồng cảm với các vấn đề của mình trong cuộc sống. Nhưng nhiều người trong số họ có khả năng bị ám ảnh với cách giải quyết vấn đề “tiêu cực” của nhân vật trong tác phẩm. Và từ đó, họ sẽ được khuyến khích chọn cách kết thúc các vấn đề như trong tác phẩm đó. Ví dụ, tiểu thuyết “Nỗi đau của chàng Werther”, xuất bản vào cuối thế kỉ 18, đã gián tiếp dẫn đến hàng loạt các vụ tự tử ở châu Âu sau khi nó được xuất bản, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Nhân vật đã bắn súng vào đầu vì không thể ở bên người mình yêu, và ít lâu sau ngày xuất bản, rất nhiều người đã chọn cách kết thúc cuộc đời mình bằng cách thức tương tự.”
Tóm lại, hãy luôn đặt điểm xuất phát cho các kết luận của lập luận từ thực tế và từ những điều đáng tin nhất. Từ đó, bức tranh bạn “vẽ” ra cho người nghe sẽ chân thực và thuyết phục hơn.
3. “Mảng xám” (grey area)
Yếu tố tiếp theo chúng ta cần chú ý trong quá trình chứng minh là tính tranh cãi của vấn đề, hay còn gọi là, mảng “xám” của trận tranh biện.
Các kiến nghị trong tranh biện luôn được xây dựng trên các vấn đề gây tranh cãi. Một cuộc tranh biện không thể tồn tại nếu như hai đội đều nói: “Anh nói rất đúng. Và anh thấy đấy, tôi cũng nói đúng. À, hóa ra, chúng ta đều đúng.” Đó cũng chính là sự khác biệt cơ bản giữa một cuộc thi tranh biện và một cuộc thi hùng biện thuần túy.
Tuy nhiên, trong một trận tranh biện, sẽ có những thứ cả hai đội phải đồng ý với nhau. Nhiệm vụ của bạn lúc đó là xác định xem, vấn đề đang gây tranh cãi nằm ở đâu.
Ví dụ, chúng ta có kiến nghị: “Chúng tôi phản đối chính sách hợp pháp hóa ma túy nhẹ.” Với kiến nghị này, hai đội sẽ không cần mất thời gian vào việc tranh cãi xem “ma túy có lợi hay có hại.” Vấn đề gây tranh cãi ở đây, đó là chính sách hợp pháp hóa có giúp mọi người đưa ra các quyết định đúng đắn hơn trong việc sử dụng cần sa hơn hay không, hay giảm các rủi ro phát sinh từ việc buôn bán cần sa trái phép trước đó hay không.
Mặt khác, với kiến nghị “Nên cấm phim khiêu dâm”, chúng ta sẽ phải bàn tới lợi - hại của nó. Hay với kiến nghị “Chúng tôi sẽ cấm rượu”, tác hại hay ích lợi của “văn hóa uống rượu” ở một số cộng đồng sẽ là một vấn đề không thể bỏ qua.
Như vậy, trong một trận tranh biện, đối với những vấn đề trắng - đen rõ ràng, chúng ta nên nhanh chóng thừa nhận và tập trung vào các vấn đề gây tranh cãi, hay “mảng xám” của vấn đề, để chứng minh phe mình đúng hơn.
Tính quan trọng
Chúng ta đã bàn về việc trong một trận tranh biện, đội nào đưa ra lập luận sát thực tế hơn, các kết luận đáng tin hơn sẽ có khả năng thắng cao hơn. Nói cách khác, hai phe “giằng co” nhau ở việc ai nói “đúng” hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, kết quả thắng - thua lại không nằm ở “mặt trận đúng - sai”, hay các đội có giải quyết được vấn đề được đặt ra hay không, mà lại được quyết định bằng việc đội nào giải quyết được những vấn đề quan trọng hơn.
1. Tính cụ thể
Nói đến tính quan trọng, ta thường nghĩ về phần “Tầm quan trọng” (Impact) của lập luận. Tuy nhiên, trên thực tế, tính quan trọng của một lập luận được thể hiện ngay từ quá trình giải thích và chứng minh, tức là, ngay từ phần lý lẽ (reasoning). Yếu tố ảnh hưởng chính ở đây là mức độ cụ thể.
Trước khi đi vào phân tích yếu tố này, chúng ta cần chú ý rằng tính cụ thể thường bị bỏ qua và lãng quên trong những năm đầu phát triển của cộng đồng tranh biện Việt Nam. Thời điểm vài năm trước đây, chúng ta dành phần lớn thời gian nói về logic để so sánh các đội. Điều này cũng dễ hiểu, bởi các lỗi logic thường dễ nhận thấy hơn ở các bạn mới tham gia tranh biện. Và hẳn nhiên là nó cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, kết quả của quá trình đó là những lập luận nghe qua thì logic, nhưng nghe kĩ thì mơ hồ, không có trọng lượng.
Vậy làm thế nào để không trở thành low-impact debater? (Định nghĩa 1: Những người có lập luận logic nhưng ít trọng lượng.)
Hãy cùng so sánh hai lập luận sau đây:
Ở đây, ta thấy rằng, lập luận thứ hai đã trả lời được các câu hỏi: (1) Hệ quả trực tiếp của việc học cùng lớp với những người có nền tảng cao hơn là gì? (2) Mục tiêu của chính sách đặc cách là gì? Vì sao từ các các hệ quả này, chúng ta có thể kết luận chính sách đi ngược lại với mục tiêu ban đầu? Đây là những câu hỏi đã không được làm rõ ở lập luận đầu tiên.
Nhờ những giải thích cụ thể, lập luận thứ hai có sức nặng hơn rất nhiều khi nó khiến người nghe có thể hình dung được bức tranh và tình trạng học tập của những sinh viên thiểu số do chính sách đặc cách. Từ đó, họ sẽ thấy hệ quả này có khả năng quan trọng hơn việc sẽ có nhiều sinh viên từ nhóm thiểu số hơn được học trong các môi trường tốt hơn.
2. Mức độ quan trọng
Trong thời gian còn “chăn trâu cắt ... lập luận”, có nhiều lần tôi như muốn hét lên: “Em nói về quyền ABC của con người rồi, anh/chị (trọng tài) còn muốn gì nữa?”, nhưng kết quả sau đó chỉ là những cái gật đầu ngậm ngùi. Ở đây, chúng ta cần thừa nhận rằng: có những thứ bản thân nó quan trọng hơn những thứ khác.
Có những giá trị (value) bản thân nó đã rất quan trọng, ví dụ: tính mạng và sức khỏe của con người, giá trị của trẻ em, v.v… Và có những thứ ít quan trọng hơn, nếu đặt lên bàn cân so sánh, như quyền riêng tư, quyền tự chủ cơ thể (bodily autonomy), v.v… Vì thế, nếu bạn muốn sử dụng những giá trị thứ yếu hơn cho lập luận của mình, chỉ nêu nó ra là không đủ; bạn sẽ cần nỗ lực hơn trong việc chỉ ra hệ quả nghiêm trọng nếu chúng ta không tôn trọng hoặc làm mất đi những giá trị đó.
Ví dụ, trong trận tranh biện “Nên cấm phá thai”, đội Ủng hộ, để chứng minh tính chính đáng của hành động này, thường sẽ nói về quyền được sống của một con người; và đưa ra một loạt các lý lẽ chỉ ra vì sao em bé chưa được sinh ra vẫn cần được công nhận như một con người. Trong tình huống này, nếu đội Phản đối chỉ dừng lại ở việc không nên cấm phá thai, vì người mẹ có quyền làm chủ cơ thể của mình, lập luận đó là không đủ. Một người bình thường sẽ khó có thể tin rằng quyền tự chủ cơ thể của một người lại quan trọng hơn quyền được sống của một người khác.
Vậy đội Phản đối có thể làm gì? Trong trận Chung kết giải Vô địch Tranh biện Thế giới 2009, người nói thứ hai của phe Phản đối đã có một lập luận rất sắc sảo. Anh chỉ ra rằng, có nhiều trường hợp cái thai là kết quả của hành động hiếp dâm hoặc bị ép buộc có thai, hoặc việc đẻ con sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần và thể chất của người mẹ. Và quyết định phá thai ở đây cần được xem như một hành động tự vệ để bảo vệ bản thân mình khỏi các tác động nghiêm trọng đó. Rõ ràng, không một tòa án công minh nào lại quyết định xử phạt một người vì hành động tự vệ, kể cả nếu như hành động đó dẫn đến cái chết của một người khác. Tại đây, giá trị “quyền tự chủ cơ thể” đã được gắn với “tự vệ” và “quyền được sống và có cuộc sống khỏe mạnh” của người mẹ. Từ đó luận điểm này mới có thể trở nên quan trọng hơn so với “quyền được sống” của một thai nhi.
Kết luận
Chúng ta đều đồng ý rằng: đội chiến thắng trong một trận tranh biện là đội thuyết phục hơn. Tiêu chí thuyết phục, tùy thuộc vào từng luật thi đấu, mà được diễn giải theo các cách khác nhau. Tuy nhiên, xét về mặt nội dung, đội thuyết phục hơn là đội, đến cuối cùng, đưa ra được một bức tranh tổng thể sát với thực tế hơn và cũng như giải quyết được các vấn đề quan trọng hơn đội còn lại. Đó chính là kết luận quan trọng nhất của bài viết này.
Trước khi kết thúc bài viết vì độ dài quá khổ, tôi xin tóm lại hai điều các bạn cần chú ý trong quá trình chứng minh lập luận đó là:
Tính đúng đắn: Thời gian chứng minh một kết luận phụ thuộc vào mức độ khó tin của nó.
Tính quan trọng: Cần nắm bắt diễn biến của trận đấu, xác định xem cần tập trung làm rõ những hệ quả nào để cán cân nghiêng về phía đội mình.
Nếu các bạn yêu thích các bài viết như trên, hãy đăng ký (subscribe) blog của chúng minh ở dưới. Ngoài ra, hãy theo dõi chúng mình tại Facebook Xóm Tranh Biện nhé!
コメント